PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN NÀO LÀ TỐI ƯU NHẤT CHO CÁC BÊN KHI XUẤT KHẨU MẶT HÀNG NÔNG SẢN !?

💢 Trong giao thương, thương mại quốc tế, ngoài các vấn đề quan trọng như giá cả, chất lượng, số lượng hàng hóa thì vấn đề về phương thức thanh toán cũng đặc biệt quan trọng. Vụ việc 100 container hạt điều của DN Việt Nam xuất sang Ý bị nghi lừa đảo là một ví dụ về bài học cần phải cảnh giác trong giao dịch thương mại quốc tế !

Vậy chúng ta hãy cùng nhau điểm qua những phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế:

1️⃣ T/T (Telegraphic transfer): Điện chuyển tiền

✅ Phương thức này có thể hiểu đơn giản giống như 2 bên chuyển khoản với nhau. Đây là phương thức thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không có quá nhiều thủ tục, giấy tờ và điều kiện. Tuy nhiên càng dễ dàng càng rủi ro, tùy vào thời điểm giao dịch khác nhau mà mức độ rủi ro của mỗi bên sẽ khác nhau.

✅ Thông thường, để chia sẻ bớt rủi ro với nhau, 2 bên thường sẽ thỏa thuận khoảng 20-30% tiền cọc và phần còn lại sẽ được thanh toán sau khi có bộ chứng từ đầy đủ hoặc trước khi tàu cập cảng đến. Phương thức này được áp dụng với những đối tác lâu năm, có độ uy tín cao,…

2️⃣ D/P (Documents against Payment): Trả tiền nhận chứng từ

✅ Phương thức này độ rủi ro ít hơn T/T vì sẽ có một ngân hàng trung gian được người mua và người bán chỉ định để đảm bảo giao dịch được minh bạch và an toàn. Cụ thể, người bán sẽ đưa bộ chứng từ hàng hóa cho ngân hàng sau khi giao hàng, và ngân hàng đó sẽ đưa lại bộ chứng từ cho người mua sau khi nhận được tiền hàng.

✅ Trong trường hợp người mua không trả tiền hàng, người bán sẽ mất sức, chi phí và thời gian để đem lô hàng đó quay về hoặc đem bán cho khách hàng khác.

3️⃣ L/C (Letter of Credit): Thư tín dụng

✅ Ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng, như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

✅ Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng. Như vậy, L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng đồng thời cũng bất lợi nhất cho người mua.

⚠️ Nhìn qua các phương thức trên, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng phương thức L/C sẽ là phương thức tối ưu nhất và phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong ngành nông sản, phương thức này thực tế rất ít khi được dùng đến ! Nghe có vẻ phi logic nhỉ?

⚠️ Lí giải cho vấn đề trên là vì hàng nông sản giá trị thấp, người mua thì thường sẽ mua lẻ từng lô chứ không mua số lượng lớn một lúc, vì vậy mỗi lô đều phải mở L/C thì rất mất thời gian và chi phí. Một vấn đề nữa đó là khi mở L/C, người mua buộc phải ký quỹ cho ngân hàng một tỉ lệ nào đó (thường là 100%), nên người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế cả. Thời gian nhận L/C cũng là một vấn đề khi hàng nông sản rất nhiều mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn, ai cũng muốn hoàn thành lô hàng càng nhanh càng tốt!

💯 Vậy có thể thấy chúng ta có thể lựa chọn các phương thức thanh toán như T/T, D/P mặc dù độ rủi ro cao hơn nhiều L/C. Khi lựa chọn các phương thức này, mình cũng phải có thêm một số biện pháp để tăng thêm độ tin cậy của giao dịch.

❤️ Trên đây là một số nhận định, kinh nghiệm giao thương thương mại quốc tế trong lĩnh vực nông sản. Rất mong có thể giúp ích được cho anh, chị đang làm trong mảng xuất khẩu nông sản !

Chia sẻ:

KẾT NỐI GIAO THƯƠNG GIỮA DOANH NGHIỆP PHÂN PHỐI TP. HCM VÀ CÁC DOANH NGHIỆP KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

LỢI ÍCH CỦA BƯỞI NON, VỎ BƯỞI